Header Ads

quang cao

Mourinho - Guardiola: Từ tình bạn trở đến thù địch


Sau El Clascio ở Tây Ban Nha, derby Manchester sẽ là trận chiến tiếp theo của hai HLV có quá khứ bạn bè nhưng dần trở kỳ phùng địch thủ tương phản trên mọi phương diện.
Nền tảng của bóng đá hiện tại được dựng lên ở Barcelona giữa thập niên 1990. Cách đây hai mùa, vòng tứ kết Champions League chứng kiến sự hiện diện của những bốn HLV từng xuất phát từ "ngôi trường" Barcelona. Họ là đồng đội của nhau tại Barca hồi 1996: Pep Guardiola, Luis Enrique, Julen Lopetegui và Laurent Blanc.

Nhìn rộng ra khỏi Champions League, những HLV từng "tốt nghiệp" tại Barca những năm qua còn có Frank de Boer, Phillip Cocu, Ronald Koeman hay thầy của chính họ: Louis van Gaal. Tất cả những cái tên vừa nêu đều xây dựng lối chơi dựa trên một triết lý chung: kiểm soát bóng, phối hợp nhỏ. Cách chơi ấy khởi đi từ Ajax và hoàn thiện tại Barca nên được cây bút về chiến thuật Jonathan Wilson gọi là "cách chơi Barçajax".

Trong một dàn những HLV tài danh ấy, có một nhân vật lẻ loi phát triển sự nghiệp theo một con đường riêng, trái ngược hoàn toàn với những "đồng môn". Người ấy vốn là một trợ lý ngôn ngữ của Sir Bobby Robson và Van Gaal sau này: Jose Mourinho!



Những ngày xưa thân ái của Guardiola và Mourinho, khi họ chia sẻ với nhau nhiều điều về niềm đam mê cháy bỏng với chiến thuật. Ảnh: Marca.
Rất nhiều bức ảnh còn được lưu lại về Mourinho thời còn làm thông ngôn ở Barca. Trong đó có khoảnh khắc ông ngồi kế Guardiola trên sân tập. Họ đang nói chuyện với nhau say sưa, về những câu chuyện bóng đá. Chính Guardiola sau này cũng thừa nhận, trong lúc phỏng vấn và trong sách, rằng Mourinho từng là bạn của ông. Khi còn tung hoành trên các sân bóng, Guardiola đã là một con nghiện chiến thuật, Mourinho cũng thế. Và họ đã chia sẻ rất nhiều chuyện về niềm đam mê này.

Nhưng sự nghiệp của cả hai sau đó ngả sang những con đường riêng. Mourinho sớm rời Barca, trở lại Bồ Đào Nha phát triển sự nghiệp riêng. Guardiola thì trở thành huyền thoại ở Barca, trước khi bôn ba sang Italy, Qatar và... Nam Mỹ để hoàn thiện triết lý bóng đá của ông. Và sau này, nhà cầm quân gốc Catalan trở thành đại diện xuất chúng của "cách chơi Barçajax".

Con đường thành công của Pep đã tạo cảm hứng cho rất nhiều HLV giỏi. Có một giai đoạn mà đi đâu chúng ta cũng nghe đến "tiki-taka". Người người tiki, nhà nhà taka, cho dù không phải ai cũng thật sự hiểu thấu đáo cách chơi này. Trong thế giới bóng đá đang lên cơn cuồng kiểm soát bóng và cầm bóng ấy, Mourinho là con người lẻ loi. Lẻ loi, nhưng kiêu bạc.

Mourinho với triết lý phòng ngự thực dụng cũng bị những HLV theo chủ nghĩa duy mỹ gọi là "hắc ám". Triết lý bóng đá tổng lực do Vic Buckingham sáng chế, Rinus Michels hoàn thiện, Johan Cruyff nâng lên tầm "tôn giáo" và Guardiola là người truyền giáo lỗi lạc nhất. Mourinho từng theo tôn giáo ấy, nhưng rốt cục đã trở thành kẻ phản Chúa. Chữ "phản" ở đây phải hiểu theo nghĩa tích cực, tức là đi theo một con đường ngược lại hoàn toàn với bóng đá tổng lực.

Nhưng dù không dễ xem với nhiều người, triết lý phản tổng lực của Mourinho lại giúp bóng đá phát triển thêm. Bởi vì triết lý ấy buộc những người theo trường phái tổng lực phải hoàn thiện hơn nữa để vượt qua những bức tường phòng ngự mà Mourinho đã giăng lên.



Có chung nguồn gốc Barca, nhưng con đường sự nghiệp của Guardiola và Mourinho đi theo hai hướng đối lập, đến xung khắc. Ảnh: AFP.
Mourinho gặp Guardiola và thua nhiều hơn thắng, nhưng là người khiến cho đồng nghiệp này lao tâm khổ tứ nhiều nhất. Ông từng nghĩ ra tuyệt chiêu dùng trung vệ đá tiền vệ phòng ngự, thiết lập thêm một lớp phòng ngự từ xa. Ở Real Madrid, ông dùng Pepe và ở Chelsea ông dùng Kurt Zouma. Tỷ lệ kiểm soát bóng của Real, Chelsea những trận ấy chưa đến 30%.

Triết lý bóng đá của Mourinho gói gọn trong bảy nguyên tắc: 1. Bóng đá là môn chơi của những sai lầm. Ai phạm ít sai lầm hơn thì thắng; 2. Đội bóng thắng là đội chủ động. Không phải chủ động cầm bóng, mà chủ động ép đối phương sai lầm; 3. Khi đá sân khách, thay vì cố tỏ ra mạnh hơn, thì hãy cố tỏ ra yếu đi, để đối phương sai lầm; 4. Đội bóng nhiều bóng hơn, khả năng phạm sai lầm cao hơn; 5. Giảm thời gian kiểm soát bóng, tức là giảm tỷ lệ sai lầm; 6. Kẻ cầm bóng sẽ sợ mất bóng; 7. Kẻ không cầm bóng mới là kẻ chủ động.

Hơn một thập kỷ trôi qua, Mourinho từng cầm quân dưới thời những ông chủ mê cuồng tấn công, nhưng triết lý của ông chưa bao giờ thay đổi. Tương tự, Guardiola đã phải hứng chịu những thất bại vô cùng đả kích, nhưng ông vẫn là môn đồ trung thành của Cruyff. Trong cuốn sách viết về lịch sử các trận El Clasico rất được ưa chuộng của Sid Lowe, nhà báo này dành trọn vẹn chương cuối cho hai nhân vật của chúng ta với nhan đề: "Cậu bé nhặt bóng và người phiên dịch".



Trận derby Manchester rồi đây sẽ đi vào lịch sử với một vị thế khác, nhờ sự đối địch giữa Mourinho và Guardiola. Ảnh: Sky Sport.
"Cậu bé nhặt bóng" chính là Guardiola. Ông mang "DNA Barca" trong người và làm mọi cách vinh danh nó. "Người phiên dịch" chính là Mourinho, đã soạn ra cả một "bí kíp" để phủ định thứ "tôn giáo" của người Hà Lan. Một là "người nhà", hai là "người ngoài". Một người lịch thiệp đến giả tạo, kẻ kia bộc trực đến thô lỗ. Nhưng không thể phủ nhận, đấy là hai trong số những HLV xuất sắc và thành công nhất lịch sử.

Họ đã nâng trận El Clasico lên một tầm cao mới. Và trận derby Manchester, nhờ có họ, mà chuẩn bị bước lên một vũ đài cao chưa từng có trong lịch sử!

Không có nhận xét nào:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Được tạo bởi Blogger.